So sánh chi tiết xe Mitsubishi Triton 2015 và Toyota Hilux 2016

Xét về khả năng chuyên chở, theo như công bố từ Mitsubishi và Toyota thì cả bốn phiên bản Triton 2015 đều đủ sức gánh vác tổng tải

Phân khúc bán tải ngày càng chứng tỏ sưc hút trên thị trường ô tô Việt với sự vươn lên mạnh mẽ của quán quân Ford Ranger, nhưng trong phạm vi bài so sánh ngày hôm nay, danhgiaXe sẽ trở thành nơi chứng kiến màn so tài giữa Mitsubishi Triton 2015 và người đồng hương . Đại diện cho hai dòng bán tải Nhật Bản lần lượt là phiên bản Triton 4×4 AT và Hilux 3.0G 4×4 AT với đầy đủ “option” từ nhà sản xuất.

Giá bán

Ngay từ ban đầu Triton đã tạo cho bản thân lợi thế lớn ở yếu tố kinh tế trước Hilux, bởi Mitsubishi luôn được biết đến với giá bán rất “chiều lòng” khách hàng, trong khi đó các sản phẩm của Toyota vẫn thường được định giá cao nhất nhì phân khúc. Cụ thể, hai chiếc pick-up nhập khẩu từ Thái Lan có giá công bố vào đầu tháng 7/2016 như sau:


Mitsubishi Triton 4×4 AT 2015: 775 triệu đồng

Toyota Hilux 3.0G 4×4 AT 2015: 914 triệu đồng
Ngoại thất

Đưa hai đối thủ vào nơi “đo đạc”, Hilux chiếm ưu thế hoàn toàn với các số đo tốt hơn giúp mang đến một dáng dấp bề thế, cảm giác khá “bề trên” khi đặt cạnh Triton, khoảng sáng gầm lớn nhất phân khúc cho phép chiếc bán tải của Toyota dễ dàng “leo lề” và vượt qua các mấp mô khi off-road. Nhưng khi xét kỹ ta có thể thấy kích thước nhỏ gọn cùng bán kính quay vòng nhỏ nhất phân khúc giúp cho Mitsubishi Triton thật sự “đa dụng”, phù hợp với nhiều điều kiện vận hành khác nhau, linh hoạt ở cả đô thị đông đúc hay xoay trở ở những đoạn đường chật hẹp.

Quan sát về phong cách, thế hệ mới nhất của cặp đôi bán tải này đều đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ nhưng lại đi theo hai hướng khá trái ngược nhau: Triton trở nên mềm mại và nổi bật nhờ các chi tiết trang trí ngoại thất bóng bẩy, cá tính – Hilux khỏe khoắn và trẻ trung hơn bên cạnh những trang bị hiện đại, tiện dụng.

Cả Triton 4×4 AT và Hilux 3.0G 4×4 AT đều gây ấn tượng mạnh với người đối diện bằng lưới tản nhiệt cỡ lớn mạ chrome liền lạc với cụm đèn pha sắc nét có thể tự động bật/tắt và cả hai đều có thể điều chỉnh góc chiếu của chùm sáng. Điểm khác biệt nằm ở việc Mitsubishi sử dụng đèn Bi-xenon kiểu Projector tạo hình khá gọn gàng còn Toyota cung cấp cho khách hàng đèn chiếu gần LED kiểu bóng chiếu và đèn chiếu xa Halogen có thiết kế trải dài sang hai bên thân xe.

Ngoài ra, nếu phần đầu xe của Triton được trau chuốt khá kĩ với các đường gân uyển chuyển nổi ở nắp capo hay cản trước thì Hilux 2016 trông cứng cáp, gãy gọn với hốc hút gió đặc trưng và phần “cơ bắp” bao quanh đèn sương mù.

Triton có phần nổi bật hơn với hai đường dập nổi chạy dọc bên thân xe, khoang cabin có thiết kế J-line độc đáo tiếp nối với thùng hàng một cách khéo léo. Hilux gần như giữ nguyên dáng dấp chỉnh chu như ở thế hệ trước với vòm bánh cao ráo và dáng xe trườn dài về sau. Các trang bị còn lại tương đồng với tay nắm cửa mạ chrome, la-zăng hợp kim 17-inch và bậc lên xuống dành cho hành khách.

Phần đuôi xe của Triton lại được Mitsubishi chăm chút kỹ lưỡng với cản sau hầm hố kết hợp cùng cụm đèn hậu gọn gàng và liền lạc với nắp chắn thùng nhờ hai gân dập nổi cá tính. Về phía Hilux 2016, Toyota tinh chỉnh lại đôi chút so với thế hệ 2012 ở tay nắm được mở rộng và cản xe bề thế hơn đều được mạ chrome bóng bẩy. Một điểm đáng chú ý là Hilux sử dụng hai thanh thép để đỡ nắp thùng hàng chắc chắn và trông gọn gàng hơn thay vì dây cáp như ở Triton.

Nội thất

Bên trong khoang lái, cả Mitsubishi và Toyota cùng mang đến phong cách lịch lãm, thích hợp với những khách hàng trung niên ưa thích sự điềm đạm, cần một cabin giản đơn và thực dụng để đồng hành cùng gia đình hoặc phục vụ cho công việc hằng ngày. Tuy vậy, với ngôn ngữ thiết kế J-line thì không gian mà Triton có được thật sự rộng rãi và thoải mái hơn so với đối thủ.

Năm vị trí ngồi ở cả hai mẫu bán tải khá tương đồng khi đều được bọc da sang trọng, hàng ghế trước bao gồm ghế tài chỉnh điện 8 hướng, ghế phụ chỉnh cơ 4 hướng và các tựa lưng ôm sát người ngồi. Hàng ghế sau cùng có ba tựa đầu và bệ tì tay trung tâm.

Điểm cộng sáng giá của Triton là độ nghiêng lưng ghế lên đến 25 độ, tốt nhất phân khúc giúp cho những chuyến đi dài trở nên dễ chịu hơn rất nhiều, đổi lại Hilux bổ sung hốc gió phụ dành cho hành khách phía sau và phần đệm ngồi khá đầy đặn.

Cũng như những người anh em khác trong gia đình Mitsubishi, bảng tablo của Triton 2015 tạo hình cân xứng và thanh thoát, tạo cho nội thất cảm giác thanh thoát “bay bổng”, đồng thời cụm điều khiển khá gọn gàng khi các nút chức năng được tích hợp vào màn hình cảm ứng giúp người lái tập trung hơn khi điều khiển xe. Về “đấu sĩ” Hilux, dễ dàng nhận thấy tài xế được ưu ái rất nhiều với lối bố trí dồn về vô-lăng của các nút bấm, phần ốp nhựa nhẵn nhụi cho đến các hốc gió phía trước, Toyota còn mang đến vân giả da nhằm tăng thêm sự sang trọng ở bảng tablo.

Tuy đều là dạng ba chấu bọc da và tích hợp các nút bấm chức năng, nhưng tay lái của của Hilux 3.0G 4×4 AT 2016 gãy gọn nhờ các hình khối vuông vức, trông hiện đại hơn khá nhiều so với vô-lăng truyền thống của Triton 4×4 AT 2015. Bù đắp lại thiết kế khá đơn giản thì Mitsubishi bổ sung hai lẫy chuyển số thể thao, tính năng “có một không hai” ở phân khúc bán tải.

Đối với các dòng xe phổ thông khó lòng đòi hỏi cao về đồng hồ hiển thị, và Triton cùng Hilux cũng không ngoại lệ với thiết kế hai cụm tốc độ vòng tua – vận tốc xe đối xứng qua màn hình TFT đa thông tin, các thông số được trình bày rõ ràng và thuận tiện cho người lái theo dõi.

Trang bị tiện nghi

Xét về yếu tố giải trí, Triton 4×4 AT nhỉnh hơn nhờ màn hình cảm ứng 6.1-inch đa chức năng, đầu DVD và đầu đọc thẻ nhớ so với trang bị đầu CD một đĩa cùng màn hình đơn sắc của Hilux, còn lại danh sách trang bị tiêu chuẩn tương đồng với 06 loa âm thanh, khả năng kết nối Bluetooth/AUX/USB.

Bên phải lá trang bị tiện nghi ở mức cơ bản của Hilux 3.0G, trong khi Triton có được màn hình cảm ứng tiện nghi hơn.

Triton 4×4 AT được trang bị hệ thống Cruise Control trong khi Hilux không được trang bị tính năng này, nếu cần phải đi đường dài sẽ khá bất tiện. Bù lại, vô-lăng của Hilux được trang bị nút trả lời đàm thoại rảnh tay khá tiện ích.

Các tính năng còn tại, cả hai tỏ ra ngang tài ngang sức dù Triton có giá bán thấp hơn đối thủ khá nhiều: chìa khóa thông minh đi kèm nút bấm khởi động, điều hòa tự động, cửa kính điều chỉnh điện một chạm chống kẹt…

Triton 4×4 AT nhỉnh hơn với hệ thống điều hòa hai vùng động lập so với đơn vùng ở Hilux 3.0G 4×4 AT, tuy nhiên mẫu bán tải của Toyota có hốc gió phụ cho hàng ghế thứ hai.

Động cơ – Vận hành

Bên dưới nắp capo của Toyota Hilux vẫn là mẫu động cơ diesel 3.0L của thế hệ trước, trong khi đó Triton 4×4 AT được cung cấp sức mạnh bởi động cơ có bộ tăng áp nên dù 4 xilanh dung tích chỉ 2.5L nhưng công suất và mô-men xoắn đều vượt trội so với đối thủ. Điều này không chỉ giúp chiếc pick-up của Mitsubishi mạnh mẽ hơn ở những đoạn đường đèo dốc hay khi phải tăng tốc với tải trọng nặng mà còn tiết kiệm nhiên liệu tốt hơn.

Xét về hệ dẫn động, phiên bản Triton “full-option” được trang bị hệ thống Super Select II với bốn chế độ lựa chọn và cả khóa vi sai trung tâm chống trượt kiểu hydrid, linh hoạt và cơ động hơn so với ba chế độ gài cầu điện ở Hilux 3.0G 4×4 AT.

Và tuy cùng sử dụng hộp số tự động 5 cấp nhưng Mitsubishi đã hào phóng cung cấp thêm cho khách hàng lẫy chuyển số trên vô-lăng, tính năng rất hữu ích khi di chuyển ở địa hình đèo dốc, hộp số chuyển cấp gần như tức thì sau khi “kéo cò” giúp Triton luôn duy trì được gia tốc và tốc độ cần thiết. Nói vui một tí thì bạn cũng có thể đua xe với Triton nếu muốn, khả năng bức tốc ban đầu dù hụt hơi đôi chút nhưng khi turbo tăng áp đã vào guồng thì độ vọt rất tốt, Triton sẽ nhanh chóng bỏ lại đối thủ đồng hương nhất là khi trọng lượng thân xe vốn nhẹ hơn Hilux.

Cả hai nhà sản xuất đều trang bị vô-lăng trợ lực dầu giúp cho cảm nhận tốt, nhưng nếu xét kĩ thì phản hồi đến từ Triton nhỉnh hơn, những thay đổi từ mặt đường ngay được truyền đến người lái rất chân thực và ngay lập tức. Đổi lại, chân phanh và chân ga của Hilux nhẹ nhàng đúng với đặc trưng của Toyota, ngoài ra khả năng cách âm cũng được cải thiện đáng kể giúp khoang ái âm ái hơn, tiếng động cơ vọng vào bên trong được triệt tiêu tốt hơn so với đối thủ đôi chút.

Xét về khả năng chuyên chở, theo như công bố từ Mitsubishi và Toyota thì cả bốn phiên bản Triton 2015 đều đủ sức gánh vác tổng tải trọng hơn một tấn, trong khi đó dù có thùng hàng xếp vào loại lớn nhất phân khúc nhưng Hilux tỏ ra yếu thế hơn nhiều với khoảng 800 kg hành khách và hàng hóa, phần nào đến từ tự trọng bản thân “nặng nề”.

An toàn

Giá bán vượt trội của Hilux phần nào được lý giải thông qua danh sách trang bị an toàn đầy đủ hơn, dù vậy Triton vẫn tăng cường sự bảo vệ cho hành khách với khung xe RISE cứng vững có khả năng hấp thụ lực tác động và bộ căng đai tự động khi có va chạm.

Kết luận

Có thể thấy, ngoài những khách hàng vốn “trung thành” với Mitsubishi thì Triton 2015 đã và đang hướng đến việc chinh phục thêm các đối tượng doanh nhân trẻ hay các gia đình sinh sống ở đô thị nhờ khả năng đa dụng, cabin rộng rãi thoải mái, tính năng vận hành vượt trội thích hợp với nhiều nhu cầu sử dụng khác nhau hội tụ ở một chiếc bán tải có giá bán cực kì cạnh tranh. Trong khi đó Toyota vẫn duy trì mục tiêu là những người mua xe trung niên vốn đã quen thuộc với thương hiệu bán tải Hilux, thường xuyên xử dụng xe phục vụ cho việc kinh doanh, quan tâm đến bài toán thanh khoản cũng như sự thuận tiện khi bảo trì bảo dưỡng.

Cùng Danh Mục:

Liên Hệ Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *